‘Quá ngày dự sinh phải làm sao?’ là câu hỏi của hầu hết mẹ bầu mang thai kéo dài hơn 40 tuần mà vẫn chưa có dấu hiệu sinh. Khi đó, tốt nhất mẹ nên đến gặp ngay bác sĩ để được khám và theo dõi kỹ càng, bởi quá ngày dự sinh sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé.
Cách tính ngày dự sinh
Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày (tức 40 tuần). Ngày dự sinh là ngày mà bác sĩ dự đoán là em bé sẽ chào đời, được xác định dựa trên ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mẹ bầu.
Tuy nhiên ngày dự sinh chỉ mang tính tương đối chứ không nhất định là ngày em bé sẽ chào đời, vì thai kỳ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Theo thống kê, có khoảng 80% em bé không chào đời đúng ngày dự sinh mà thường là sớm hơn hoặc trễ hơn.
Xem thêm: Các dấu hiệu sinh mẹ cần nhớ để đón bé chào đời
Quá ngày dự sinh 2 ngày có sao không?
Nếu mẹ thấy ngày dự sinh đã qua 2 -5 ngày, hãy thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được khám và theo dõi kỹ càng, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Khi nhập viện, bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số nước ối, nếu thiếu ối hoặc dư ối thì nguy cơ suy thai và thai tử vong là rất cao, nên cần bắt buộc phải tiến hành mổ lấy thai gấp.
Bên cạnh đó, thai quá ngày chưa chuyển dạ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cho hai mẹ con. Tuy nhiên, vấn đề này thường sẽ chỉ xảy ra ở một số ít trường hợp thai quá ngày dự sinh và một số rủi ro có thể gặp phải bao gồm:
- Thai bị chết lưu.
- Thai nhi quá lớn nên khó sinh qua ngả âm đạo
- Thai nhi hít phải nước ối có phân su, khiến cho thai nhi gặp phải tình trạng khó thở nghiêm trọng sau sinh.
- Lượng nước ối giảm nghiêm trọng sẽ khiến dây rốn bị chèn ép và hạn chế lượng oxy cung cấp cho thai nhi.
Mẹ bầu quá ngày dự sinh phải làm sao?
Khi thai nhi quá ngày dự sinh, môi trường tử cung của người mẹ chẳng còn lý tưởng để nuôi dưỡng thai nhi nữa. Đồng thời, nhau thai cũng bắt đầu có dấu hiệu hoạt động kém đi và cung cấp ít chất dinh dưỡng và oxy cho cơ thể của trẻ. Trong cơ thể của mẹ, lượng nước ối bắt đầu ít hơn. Điều này gây bất lợi cho sự phát triển và sức khỏe của bé.
Thường xuyên thăm khám để theo dõi tình hình của thai nhi
Khi gặp phải tình trạng quá ngày dự sinh, mẹ nên đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ kiểm tra thai nhi đã trưởng thành hay chưa, có gặp phải nguy hiểm nào không hoặc thai có thể chịu đựng được trong quá trình sinh nở không. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp nhất cho mẹ bầu.
Ở tuần thai thứ 41 là thời điểm thích hợp để mẹ bầu sinh bởi nhau thai càng già sẽ rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của bé. Nếu thai nhi đã quá ngày dự sinh khoảng 1 tuần, mẹ bầu cần phải ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi, thăm khám. Nếu bác sĩ nhận thấy có bất cứ dấu hiệu nào bất thường ở thai nhi, bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai để giữ an toàn cho cả mẹ lẫn bé.
Nếu quá ngày dự kiến sinh nhưng cổ tử cung thuận lợi, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên tuổi của thai nhi, đánh giá những nguy cơ và lợi ích, nguyện vọng của thai phụ để tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ tự nhiên hay sẽ dùng phương pháp kích thích chuyển dạ tạo điều kiện để bà mẹ sinh thường qua ngả âm đạo.
Một số trường hợp thai nhi đã quá ngày dự sinh nhưng kích thước lớn (trên 4kg) hoặc mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ bắt buộc mẹ phải tiến hành mổ. Thông thường, thai kỳ sẽ kéo dài khoảng 40 – 41 tuần nhưng ở tuần thai thứ 42 mà mẹ bầu vẫn chưa sinh và gặp phải các trường hợp trên, thai phụ sẽ phải mổ để tránh các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như suy hô hấp, nhiễm trùng, sốt cao, tử vong,… Việc thai nhi mổ hay không còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và sự chỉ định của bác sĩ.
Điều thai phụ nên làm lúc này là phải hết sức bình tĩnh, không nên lo lắng quá mức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thai nhi trong bụng. Tốt nhất, mẹ nên bình tĩnh, nghe theo lời hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ.
Chủ động phòng ngừa thai đến ngày dự sinh mà chưa sinh
Để chủ động phòng tránh hiện tượng thai quá ngày dự sinh, trước hết mẹ bầu cần xác định rõ ngày đầu xuất hiện kinh nguyệt của kỳ kinh cuối để tính được ngày dự sinh chính xác nhất. Đồng thời, tuân thủ theo lịch khám thai thường xuyên và những khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe của thai phụ và em bé.
Bên cạnh đó, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất, tuân thủ lịch sinh hoạt khoa học, điều độ để giữ mức ổn định về cân nặng cho cả thai phụ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Mẹ không nên buồn rầu hay lo lắng mà hãy nên lên kế hoạch cho bản thân mình. Mẹ có thể đi lại nhẹ nhàng, hít thở sâu hoặc trao đổi, trò chuyện với bạn bè để cảm thấy thoải mái hơn, giảm căng thẳng. Trong khoảng thời gian này, mẹ nên nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị cho ngày sinh nở. Nếu quá khó ngủ, mẹ có thể mở một bản nhạc du dương hay dùng gối kê bụng bầu, gác chân lên cao để dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
Tham khảo các loại gối cho mẹ bầu tại Mothercare
Thời gian sinh hoạt và luyện tập hợp lý giúp việc sinh nở của mẹ dễ dàng hơn
Luyện tập thể dục bằng động tác đi lại nhẹ nhàng sẽ giúp thai phụ dễ sinh nở hơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc đi lại của bản thân mình và nhờ bác sĩ hướng dẫn các phương pháp để hỗ trợ sinh con. Trong khoảng thời gian này, bạn không nên làm việc nặng hoặc thực hiện các động tác phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hy vọng những chia sẻ kể trên đã giúp mẹ giải đáp thắc mắc ‘Quá ngày dự sinh phải làm sao?’. Luôn giữ sức khỏe tốt, có chế độ ăn nghỉ hợp lý và thăm khám thường xuyên để chào đón thiên thần nhỏ chào đời thuận lợi, mẹ tròn con vuông mẹ nhé!
Xem thêm: Danh sách đồ chuẩn bị đi sinh cho mẹ bầu sắp vượt cạn