Đang tải...

Bé yêu không những nhanh chóng biết trườn mà còn khỏe mạnh, dẻo dai với những cách sau

Bé yêu không những nhanh chóng biết trườn mà còn khỏe mạnh, dẻo dai với những cách sau

Các mốc phát triển như lẫy, trườn, bò, lần đầu tiên cười hay vỗ tay đều là các kỹ năng của bé sơ sinh được rất nhiều ba mẹ mong chờ. Vậy mấy tháng bé biết trườn và cách tập cho bé trườn như thế nào? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay sau đây nhé!

Bé mấy tháng biết trườn?

Thông thường, từ 7 đến 9 tháng tuổi, các cơ thân trên của bé đã phát triển đủ khỏe để kéo toàn bộ cơ thể về phía trước, đây là lúc bé bắt đầu tập trườn. Trườn là hoạt động bé kết hợp tay phải với chân trái, tay trái với chân phải để di chuyển và bụng vẫn chạm xuống sàn., bé sử dụng 2 bên cơ thể đều như nhau.

Tùy vào tốc độ phát triển mỗi bé và các yếu tố bên ngoài, bé có thể biết trườn sớm hoặc muộn hơn. Có một số bé bỏ qua giai đoạn trườn hoặc bò và chuyển thẳng sang giai đoạn tập đi. Tuy nhiên, ba mẹ nên lưu ý mỗi mốc phát triển đều có vai trò quan trọng riêng, nó giúp bé củng cố sức mạnh, tăng sự dẻo dai của các cơ để tạo nền tảng cho bước phát triển tiếp theo.

Lợi ích của việc trườn đối với sự phát triển của bé

Trườn giúp củng cố sức mạnh và tăng sự dẻo dai cho cơ thể bé

Trườn giúp củng cố sức mạnh và tăng sự dẻo dai cho cơ thể bé

Khi bé khám phá ra việc di chuyển bằng cách trườn, bé đã bước sang một giai đoạn mới của sự phát triển não bộ. Giai đoạn phát triển các tế bào thần kinh này sẽ tạo tiền đề cho những hình thức vận động sắp tới trong năm đầu đời của bé. Việc trườn tác động rất lớn đến sự phát triển của bé:

  • Củng cố sức mạnh của cánh tay và bàn tay, chân, bàn chân và tìm ra cách sử dụng những bộ phận này cho việc bò, leo trèo và bước đi sau này.
  • Bé nhận ra được rằng cơ thể mình có 2 phía bên trái, bên phải và học được cách cân bằng 2 bên khi di chuyển.
  • Khi trườn não bé nhận được hàng trăm tín hiệu từ các bộ phận trên cơ thể để xác định vị trí của chân, tay, bụng, từ đó phối hợp di chuyển.
  • Khi bé thấy đồ chơi ở khoảng cách xa, bé sẽ trườn đến đó. Do đó, trườn giúp bé phát triển kỹ năng quan sát và phán đoán ở những khoảng cách khác nhau.

Trườn khiến bé cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Bé có thể trườn đi theo ba mẹ, đi lấy đồ chơi yêu thích, nhờ đó giúp tăng khả năng chơi tự lập. Các bé chưa biết di chuyển sẽ dễ bị buồn chán và thường cần tới ba mẹ nhiều hơn.

Cách tập cho bé trườn hiệu quả

Việc trườn có tác dụng rất tốt đến sự phát triển của bé. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên lo lắng và thúc ép nếu bé chưa biết trườn. Ba mẹ có thể khuyến khích bé tập trườn bằng các phương pháp sau đây

Tập cho bé nằm sấp

Thời gian nằm sấp hay tummy time là khoảng thời gian bé được nằm sấp dưới sự quan sát và theo dõi của ba mẹ. Mục đích của phương pháp thực hành này là để tăng cường cơ cổ, cơ vai và cơ lưng của bé cứng cáp hơn, giúp bé học trườn dễ dàng hơn. Các nghiên cứu cho thấy các bé được tập nằm sấp nhiều hơn thường biết trườn và bò sớm hơn các bé khác (theo Lobo và Galloway 2012).

Nếu bé không thích nằm sấp trong thời gian dài, ba mẹ có thể cho bé tập vài lần mỗi ngày và kéo dài trong vài phút. Để khuyến khích bé tập nằm sấp, ba mẹ cũng có thể nằm sấp chung với con trong tư thế ngang tầm mắt để bé có thể nhìn thấy khuôn mặt ba mẹ, từ đó sẽ cố gắng nằm sấp lâu hơn.

Khuyến khích bé trườn đến đồ chơi yêu thích

Để thu hút bé trườn về phía trước, ba mẹ có thể đặt một vật dụng yêu thích hoặc món đồ chơi màu sắc, phát ra âm thanh hoặc ánh sáng trước mặt bé, lưu ý không nên để xa bé quá.

Khi bé gần chạm tới đồ chơi, ba mẹ di chuyển đồ chơi xa hơn từng chút để bé lại tiếp tục trườn đến. Đừng quên khen thưởng cho nỗ lực của bé bằng việc cho bé chơi đồ chơi đó ba mẹ nhé!

Thu hút bé bằng món đồ chơi yêu thích giúp bé nhanh học được cách trườn

Thu hút bé bằng món đồ chơi yêu thích giúp bé nhanh học được cách trườn

Cùng bé tập động tác trườn

Ba mẹ đặt bé nằm sấp trên sàn, đặt 2 bàn tay chặn vào sau gót chân của bé, đồng thời hơi đẩy chân bé gấp về phía trước. Tay của ba mẹ lúc này như 1 điểm tựa để bé tự đẩy về phía trước. Sau đó, ba mẹ dần dần cho bàn chân bé tiếp xúc với mặt sàn, để bé có thể chủ động tự đẩy người lên.

Cho bé tập luyện trước gương

Hầu hết các bé đều thích thú khi thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương. Ba mẹ hãy để gương cách bé một khoảng để bé thấy, bé sẽ hào hứng di chuyển về phía trước. Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên chú ý an toàn khi tập cho bé trước gương nhé!

Mặc cho bé quần áo thoải mái, thoáng mát

Ba mẹ hãy mặc cho bé quần áo vừa vặn, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi di chuyển và khuyến khích bé khám phá những điều mới lạ xung quanh.

Quần áo cho bé, ba mẹ nên chọn các chất liệu mềm mại, co giãn để giảm ma sát với sàn nhà khi bé bắt đầu di chuyển. Những bộ đồ bodysuit, sleepsuit dài tay hoặc ngắn tay rất thích hợp cho các bé tập trườn, bò đó ba mẹ ơi!

Cho bé mặc quần áo thoải mái để dễ dàng vận động

Cho bé mặc quần áo thoải mái để dễ dàng vận động

Ba mẹ tránh bế ẵm, cho bé ngồi xe đẩy quá nhiều

Việc bế ẵm hoặc ngồi xe đẩy quá nhiều sẽ hạn chế sự phát triển các cơ của bé. Các bé cần được di chuyển tự do xung quanh khu vực chơi để có thể học được cách trườn, bò.

Lưu ý khi tập cho bé trườn

Trong quá trình tập trườn, ba mẹ nên đảm bảo khu vực xung quanh được an toàn, không có vật dụng gây nguy hiểm như ổ cắm điện, dao kéo, đồ vật góc nhọn, vật liệu độc hại, đồ chơi quá nhỏ… vì trẻ có thể với tay và chạm vào chúng. Hãy chuẩn bị cho bé một không gian tự do khám phá và ba mẹ luôn bên cạnh trông chừng cẩn thận, hỗ trợ bé khi cần.

Ba mẹ nên đặc biệt lưu ý ở vị trí cầu thang vì con có thể bị té và gặp nguy hiểm. Do đó, hãy giữ con tránh xa khỏi vùng gần cầu thang cho đến khi thực sự biết đi (thường là khoảng 18 tháng).

Như vậy, trườn là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé trong những năm đầu đời. Ba mẹ hãy áp dụng cách tập cho bé trườn trên đây và luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bé nhé!

Bài viết cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
Kiểm tra trạng thái đơn hàng
Kiểm tra trạng thái đơn hàng